Mục lục
Người có EQ thấp, không có nhiều mối quan hệ tốt đẹp thì cả sự nghiệp và tài chính đều không dễ phát triển, khó mà thoát cái nghèo.
Nhiều người không bao giờ chịu nhượng bộ người khác, ngay cả trong lời nói. Họ ngụy biện “tôi là người thẳng tính”, mà không hay biết đó là một biểu hiện của EQ cực thấp. Bề ngoài, bạn có vẻ là người chiến thắng trong các cuộc tranh cãi, nhưng thực chất bạn lại là kẻ thua cuộc, ai nấy đều không muốn tới gần.
Nhất định không bao giờ thua trong các cuộc tranh cãi
Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người không bao giờ chịu thua trong các cuộc tranh luận. Họ phản bác tất cả những gì người khác nói, nhất quyết phải làm rõ đúng sai và không bao giờ nhượng bộ ai. Họ thường tự nhận bản thân là người thẳng tính. Nhưng thực tế, một người như vậy được đánh giá là có chỉ số EQ thấp.
Khang tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với thành tích học tập vượt trội. Khi đi học, anh thường phát biểu trên lớp, tranh luận hang say mọi vấn đề và được thầy cô giáo đánh giá cao. Khi đi làm, quản lý cũng luôn dành lời khen ngợi cho Khang.
Tuy nhiên, đồng nghiệp lại không thích Khang, nhất là khi mọi việc cần phối hợp. Cả những người cùng bộ phận hay phòng ban khác cũng không sẵn sàng làm việc với thanh niên này. Bởi anh luôn muốn “trên cơ”, thích chứng tỏ bản thân bằng khả năng hùng biện và chỉ số thông minh của mình. Bất cứ khi nào bất đồng ý kiến, anh ta chỉ biết độc thoại, thể hiện ý kiến riêng trong khi đối phương chỉ luôn im lặng.
Những người luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói, thực chất chỉ muốn thể hiện bản thân. Đại đa số họ không nhận ra tác hại của thói quen xấu này. Họ tự cho rằng bản thân lanh lợi, thông minh khi giành được sự chú ý của người khác. Nhưng thực tế, đây là một hành vi thể hiện EQ cực thấp, bất lịch sự, không biết lắng nghe và tôn trọng người đối diện.
Không lắng nghe người khác khi giao tiếp
Người có chỉ số EQ cao luôn nâng tầm quan trọng của đối phương trong giao tiếp hơn bản thân họ. Đó là một thói quen khôn ngoan, có tính chiến lược.
Bởi dù là ai thì người ta cũng quan tâm đến những gì ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của mình. Vì thế, nếu muốn người khác tôn trọng, tử tế với mình, hãy nghĩ xem liệu lời nói và hành vi của bạn có thiện chí và hợp tác hay không?
Ngược lại, những người có chỉ số EQ thấp thường không muốn lắng nghe, không muốn hiểu được cảm nhận của người khác. Họ đủ kiên nhẫn để quan sát, cảm nhận được chồng/vợ đang giận dữ hoặc khi đồng nghiệp của bạn đang phát cáu. Không những vậy, họ tỏ ra khó chịu khi người khác muốn tìm hiểu về cảm xúc của họ. Hành vi từ chối hợp tác đó khiến cho họ khó có thể làm việc chung suôn sẻ và hiệu quả được với đồng nghiệp, và giao tiếp tốt trong mọi mối quan hệ.
Thích “xoáy sâu” vào nỗi đau của người khác
Thực tế, không ít người thích thú với việc động chạm châm biếm, đả kích nỗi đau của người khác.
Tiến từng là một giám đốc thành đạt. Trong lần họp lớp vừa qua, trong lúc hàn huyên tâm sự, người bạn cùng lớp tên Hùng bỗng vỗ vai bạn cũ và bảo: “Nếu cậu không phá sản thì có lẽ lần họp lớp này các bạn đã được cậu bao ăn ở resort 5 sao đã đời rồi nhỉ”.
Không khí sôi nổi của bữa tiệc bỗng trầm lắng hẳn, Tiến bối rối cười trừ, không nói gì. Hùng vẫn chưa chịu dừng lại: “Ai mà ngờ được công ty của cậu là phá sản nhanh đến thế. Cứ tưởng đang làm ăn ngon lành…”. Thật ra, chuyện công ty của Tiến khó khăn ai cũng biết, nhưng không ai muốn khơi lại nỗi buồn của bạn bè. Mỗi người đều có những bí mật, nỗi đau của riêng mình. Những người dù biết vết sẹo của người khác vẫn cố chọc ngoáy sẽ chẳng để ý xem đối phương đang cảm thấy thế nào mà chỉ nói chuyện và hả hê khi thấy người khác đau khổ.
Trí tuệ cảm xúc không dễ thay đổi. Bạn cần cả một quá trình nỗ lực quan sát và huấn luyện phản ứng của bản thân trong các tình huống giao tiếp, tự xem xét nội tâm của bản thân và tiếp thu ý kiến của người khác. Trí tuệ cảm xúc cũng sẽ tăng tự nhiên theo tuổi tác, cùng với những kinh nghiệm sống của bạn. Tất nhiên, có lẽ bạn cũng sẽ trải nghiệm quá không ít chuyện đau thương trên hành trình bồi đắp EQ của mình.